
THỦY ĐIỆN VIỆT NAM
THỦY ĐIỆN VIỆT NAM
1 Hiện trạng
1.1 Tiềm năng và đặc điểm thủy điện Việt Nam
Việt Nam có khoảng ba ngàn con sông, phân bố khắp đất nước. Tổng lượng nước mặt hàng năm khoảng 830 - 860 tỷ m3. Tiềm năng kinh tế - kỹ thuật - môi trường về thuỷ điện Việt Nam được đánh giá khoảng 100 tỷ kWh [1].
Tuy nhiên, hai phần ba nguồn nước trên lưu vực sông của Việt Nam xuất phát từ nước ngoài (trong đó, phần được sinh ra trên đất Việt Nam chiếm 38,5%, phần từ nước ngoài chảy vào Việt Nam chiếm khoảng 61,5%). Gần đây, các nước thượng nguồn đã và đang xây dựng nhiều công trình thủy điện, nhiều công trình chuyển, lấy nước, gây tình trạng nguồn nước chảy vào Việt Nam ngày càng giảm và làm tăng sự phụ thuộc [1].
Thượng nguồn sông Hồng, sông Đà trên lãnh thổ Trung Quốc đã và đang xây dựng các công trình thủy điện, dung tích hồ chứa vài chục tỷ m3, công suất lắp đặt hàng nghìn MW.
Thượng nguồn sông Mê Kông, Trung Quốc đã có kế hoạch xây dựng 75 thủy điện với tổng công suất lắp đặt 22.000 MW, trong đó 2 công trình có điều tiết lớn khoảng 38 tỷ m3 (Thủy điện Tiểu Loan 4.200 MW, Nọa Trát Độ 5.500 MW). Còn vùng lưu vực sông Mê Kông thuộc Lào, Thái Lan, Campuchia đã có quy hoạch 11 công trình thủy điện trên dòng sông chính. Hiện Lào đã xây dựng một số công trình trên các sông nhánh, đang xây dựng thủy điện Xayaburi và chuẩn bị xây Donsahong [2].
Nguồn nước phân bố không đều giữa các vùng và theo thời gian: 60% lượng nước tập trung ở đồng bằng Cửu Long (ĐBCL), 40% ở vùng từ phía Bắc đến Thành phố Hồ Chí Minh (vùng chiếm trên 80% dân số); trong 4-5 tháng mùa lũ chiếm tới 70-80% lượng nước cả năm, các tháng còn lại chỉ chiếm 20-30%; giữa các năm cũng có biến động lớn. Mùa lũ hàng năm ở ba miền có lệch nhau, miền Bắc có sớm vào tháng 7, 8 và chậm dần vào miền Trung và Nam khoảng vài ba tháng [1].
1.2 Quá trình phát triển thủy điện ở Việt Nam
1.2.1 Giai đoạn 1954 – 1975
Trong thời gian từ năm 1959 - 1963, với sự giúp đỡ của Liên Xô, Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Bàn Thạch ở Thanh Hoá được xây dựng với công suất 960 kW, được xem là nhà máy thủy điện đầu tiên ở miền Bắc.
Sau đó, năm 1964, cùng với sự giúp đỡ của Liên Xô, thủy điện Thác Bà được bắt đầu xây dựng trên dòng sông Chảy, thuộc địa bàn huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái với công suất thiết kế 108 MW. Sau nhiều lần gián đoạn do chiến tranh, thủy điện Thác Bà đã chính thức vận hành phát điện vào năm 1971. Đến năm 1985, Nhà máy Thủy điện Thác Bà được nâng công suất phát điện lên 120 MW.
Ở miền Nam, Nhà máy Thủy điện được xây dựng trong thời kỳ này là Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, được khởi công xây dựng vào ngày 01 tháng 04 năm 1961 với công suất thiết kế là 160 MW. Đây là dự án được xây dựng do đền bù sau chiến tranh từ phía Nhật Bản. Nhà máy được chính thức đưa vào vận hành tháng 12 năm 1964. Điện sản xuất ra chỉ chủ yếu cung cấp cho khu vực miền Trung (chủ yếu là Đà Lạt và vùng phụ cận) mà không tải được tới các trung tâm công nghiệp lớn của Sài Gòn và Biên Hoà (Nippon Koei, 2014).
1.2.2 Giai đoạn 1975 – 2000
Sau năm 1975, với sự trợ giúp về tài chính và kỹ thuật của Liên Xô, Việt Nam tiến hành xây dựng Nhà máy Thủy điện Hoà Bình, với tổng công suất lắp máy là 1.920 MW. Đây là Nhà máy Thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á vào thời điểm đó. Quá trình xây dựng từ 1979 - 1994.
Song song với việc xây dựng Nhà máy Thủy điện Hoà Bình, ý tưởng khai thác điện năng trên các dòng sông lớn tại khu vực miền Nam, Tây Nguyên cũng được thúc đẩy.
Ngày 30/4/1984, công trình thủy điện Trị An trên sông Đồng Nai được khởi công và hoàn thành vào năm 1991 với 4 tổ máy có tổng công suất lắp máy 400 MW. Công trình thủy điện Trị An là công trình lớn nhất Miền Nam. Công trình bảo đảm cung cấp điện cho các tỉnh thành phía Nam, cung cấp nước sinh hoạt và canh tác chủ yếu cho các tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Công trình thủy điện Trị An cũng là công trình đầu tiên mà PECC2 tham gia thiết kế, giám sát.
Tính đến năm 1982, công suất của thủy điện chỉ chiếm 21,8% (vẫn chỉ là 268 MW được huy động từ nhà máy Thủy điện Thác Bà và Đa Nhim) trong cơ cấu nguồn điện của hệ thống điện. Năm 1992 sau khi Nhà máy Thủy điện Trị An và một số tổ máy của Thủy điện Hòa Bình đưa vào vận hành thì cơ cấu nguồn điện từ thủy điện đã thay đổi vượt bậc và tỷ lệ này lên tới 60,4% [3].
Bảng 1.1. Cơ cấu nguồn điện năm 1982 và 1992 trong hệ thống điện [3]
Nguồn điện |
1982 |
1992 |
||
MW |
% |
MW |
% |
|
Thủy điện |
268 |
21,8 |
2.120 |
60,4 |
Nhiệt điện than |
205 |
16,7 |
645 |
15,4 |
Nhiệt điện dầu |
198 |
16,1 |
198 |
5,6 |
Diesel |
440 |
35,7 |
390 |
11,1 |
Tua bin khí |
120 |
9,7 |
157 |
4,5 |
Tổng |
1213 |
100 |
3.150 |
100 |
Vào những năm 1990, lượng điện sản xuất ra không đáp ứng được nhu cầu và điện năng trở nên thiếu hụt, nhất là khu vực miền Nam. Công trình xây dựng đường dây tải điện 500 kV nhanh chóng được thực hiện và hoàn tất năm 1994 nhằm tải điện từ miền Bắc vào Nam. Nguồn điện truyền tải ở đây chủ yếu từ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Đồng thời, tính tới đầu những năm 2000, quy hoạch tổng thể điện năng cho 10 lưu vực sông chính trên cả nước đã được hoàn tất. Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mạnh thủy điện.
Ngày 24/9/1982 luận chứng kinh tế - kỹ thuật cho dự án thủy điện Yaly trên sông Sê San đã được Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) chính thức phê duyệt bằng quyết định số 346/CT. Vào thời điểm khởi công năm 1993, với công suất lắp máy là 720 MW, Yaly là Nhà máy Thủy điện lớn thứ hai ở Việt Nam sau thủy điện Hòa Bình.
1.2.3 Giai đoạn 2000 đến nay
Giai đoạn sau năm 2000, theo quy hoạch nhằm mục tiêu “góp phần chống lũ trong mùa mưa, cấp nước trong mùa khô phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, cho sinh hoạt và sản xuất điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội”; trên các hệ thống sông lớn, hầu hết các dự án đã được triển khai xây dựng do Tập đoàn Điện lực (EVN) là chủ đầu tư.
Cụ thể, có thể kể tới một số thủy điện trên các lưu vực sông chính được phát triển mạnh trong giai đoạn này:
- Trên sông Đà có các Nhà máy Thủy điện lớn như: NMTĐ Hòa Bình (1.920 MW), NMTĐ Sơn La (2.400 MW), NMTĐ Lai Châu (1.200 MW); trên các sông nhánh có các thủy điện: NMTĐ Huội Quảng (520 MW), NMTĐ Bản Chát (220 MW), NMTĐ Nậm Chiến (200 MW) và một số thủy điện trên phụ lưu;
- Trên dòng Lô - Gâm - Chảy có các thủy điện: NMTĐ Thác Bà (120 MW), NMTĐ Tuyên Quang (342 MW), NMTĐ Bắc Mê (45 MW), v.v.;
- Trên sông Mã, sông Chu có các thủy điện: NMTĐ Trung Sơn (260 MW), NMTĐ Hủa Na (180 MW), v.v.;
- Trên sông Cả có các thủy điện: NMTĐ Bản Vẽ (320 MW), NMTĐ Khe Bố (100 MW);
- Trên sông Thu Bồn có các thủy điện: NMTĐ A Vương (210 MW), NMTĐ Sông Bung 2 (100 MW) và NMTĐ Sông Bung 4 (152 MW) v.v.;
- Trên sông Sê San có các thủy điện: NMTĐ Pleikrong (100 MW), NMTĐ Thượng Kontum (220 MW), NMTĐ Ialy (720 MW), NMTĐ Sê San 3 (260 MW) và NMTĐ Sê San 4 (360 MW), v.v.;
- Trên sông Srêpok có thủy điện: NMTĐ Buôn Tua Srah (86 MW), NMTĐ Buôn Kuốp (280 MW), NMTĐ Srepok 3 (220 MW), NMTĐ Srêpok 4 (80 MW) và NMTĐ Srêpok 4A (64 MW), v.v.;
- Trên sông Đồng Nai có các thủy điện: NMTĐ Trị An (400 MW), NMTĐ Đồng Nai 2 (70 MW), NMTĐ Đồng Nai 3 (180 MW), NMTĐ Đồng Nai 4 (340 MW), NMTĐ Đồng Nai 5 (150 MW); các lưu vực sông nhánh có NMTĐ Đại Ninh (300 MW), NMTĐ Đa Nhim (240 MW), v.v.;
- Trên sông Bé có NMTĐ Thác Mơ (225 MW).
Tổng công suất lắp đặt các Nhà máy Thủy điện từ nhỏ đến lớn đã đạt tới 22.499 MW, chiếm tỷ trọng 28,3% trong cơ cấu nguồn điện (tính tới cuối năm 2021) [4].
Hình 1. Tổng công suất thủy điện từ năm 2011-2020 [5]
2 Xu hướng phát triển
2.1 Phát triển các nguồn thủy điện ở Việt Nam
Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, thủy điện trong cơ cấu nguồn điện sẽ giảm dần theo thời gian. Đến năm 2025 chiếm 24,81% (tương đương 26.795 MW) và đến năm 2050 còn 6,69% (tương đương 36.016 MW). Xu thế này là tất yếu vì nguồn thủy điện đã được khai thác tới hạn. Sự tăng công suất trên chủ yếu phát triển các thủy điện nhỏ và mở rộng các Nhà máy Thủy điện hiện hữu.
Hình 2. Biểu đồ Tổng công suất và tỷ lệ nguồn thủy điện đến năm 2045 [6]
Qua đó cho thấy rằng thủy điện trong nước đã phát triển đến giới hạn. Việc nâng cao hiệu quả vận hành hoặc nhập khẩu thủy điện từ Lào cần sớm được xem xét.
2.2 Mở rộng các nhà máy thủy điện hiện hữu
Mở rộng các thủy điện hiện hữu nhằm sử dụng hiệu quả lượng nước xả thừa để tăng sản lượng điện cho hệ thống, đồng thời cũng đóng vai trò phủ đỉnh biểu đồ phụ tải. Thực tế cũng đã cho thấy hiệu quả của các dự án này. Cụ thể đã có hai dự án đi vào vận hành là NMTĐ Đa Nhim mở rộng (80 MW) và NMTĐ Thác Mơ mở rộng (75 MW).
Bên cạnh đó, một số dự án lớn đã khởi công như: NMTĐ Hòa Bình mở rộng (480 MW) và NMTĐ Ialy mở rộng (360 MW). Các dự án này dự kiến vận hành đến năm 2025. Và nhiều dự án được đưa vào quy hoạch đến năm 2030.
Bảng 1.2. Danh mục các dự án thủy điện được mở rộng đến năm 2030 [6]
Stt |
Tên dự án mở rộng |
Công suất đặt (MW) |
2021-2025 |
2026-2030 |
---|---|---|---|---|
1 |
Thủy điện Hòa Bình mở rộng |
480 |
480 |
|
2 |
Thủy điện Thái An mở rộng |
41 |
41 |
|
3 |
Thủy điện Ialy mở rộng |
360 |
360 |
|
4 |
Thủy điện Đa Nhim mở rộng giai đoạn 2 |
80 |
80 |
|
5 |
Thủy điện Trị An mở rộng |
200 |
200 |
|
6 |
Thủy điện Tuyên Quang mở rộng |
120 |
|
120 |
7 |
Thủy điện Trung Sơn mở rộng |
130 |
|
130 |
8 |
Thủy điện Buôn Kuốp mở rộng |
140 |
|
140 |
9 |
Thủy điện Srepok 3 mở rộng |
110 |
|
110 |
10 |
Thủy điện Sesan 3 mở rộng |
130 |
|
130 |
11 |
Thủy điện Sesan 4 mở rộng |
120 |
|
120 |
12 |
Thủy điện Sông Hinh mở rộng |
70 |
|
70 |
13 |
Thủy điện Vĩnh Sơn mở rộng |
40 |
|
40 |
14 |
Thủy điện Sông Ba hạ mở rộng |
60 |
|
60 |
|
Tổng công suất (MW) |
1981 |
1161 |
820 |
2.3 Phát triển Thủy điện tích năng
Thủy điện tích năng là Nhà máy Thủy điện kiểu bơm tích nước, sử dụng điện năng của hệ thống điện vào những giờ thấp điểm (phụ tải đêm) để bơm nước từ hồ chứa nước thấp lên hồ chứa nước cao hơn. Vào thời điểm nhu cầu tiêu thụ điện năng lớn, nước sẽ được xả từ hồ chứa cao xuống hồ chứa thấp hơn thông qua các tua bin và phát điện lên lưới điện.
Hình 3. Mô hình vận hành Nhà máy thủy điện tích năng
Từ sau năm 2000, tốc độ phát triển thủy điện tích năng trên thế giới tăng nhanh chóng, trong đó điển hình nhất là Trung Quốc. Trong giai đoạn sau năm 2000, Trung Quốc trở thành nước có tốc độ phát triển thủy điện tích năng lớn nhất thế giới về số lượng nhà máy và tổng công suất lắp đặt.
Ở Việt Nam, có thể nói rằng đây là loại hình còn khá mới. Hiện tại có duy nhất một dự án đang trong giai đoạn thực hiện đầu tư đó là Thủy điện tích năng Bác Ái với tổng công suất 1.200 MW. Dự án do EVN làm chủ đầu tư.
Hình 4. Phát triển thủy điện tích năng trên thế giới [7]
Dự thảo Quy hoạch điện quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã đưa ra nhiều vị trí tiềm năng có thể tiếp tục nghiên cứu phát triển thủy điện tích năng. Hầu hết các nhà máy đều có công suất lớn. Trong khi đó, các nguồn thủy điện tích năng vừa và nhỏ chưa được nghiên cứu. Tuy nhiên, theo Tờ trình phê duyệt của Bộ Công Thương, công suất nguồn thủy điện tích năng còn khá khiêm tốn. Tổng công suất thủy điện tích năng đến năm 2045 chỉ khoảng 4.500 MW.
Bảng 1.3. Danh mục các dự án thủy điện tích năng đến năm 2045 [6]
Stt |
Tên dự án thủy điện tích năng |
Công suất đặt (MW) |
2026-2030 |
2031-2045 |
---|---|---|---|---|
1 |
Thủy điện tích năng Bác Ái |
1.200 |
1.200 |
|
2 |
Thủy điện tích năng Phước Hòa |
1.200 |
1.200 |
|
3 |
Thủy điện tích năng Đông Phù Yên |
900 |
|
900 |
4 |
Thủy điện tích năng Đơn Dương |
1.200 |
|
1.200 |
|
Tổng |
4.500 |
2.400 |
2.100 |
Ở một khía cạnh khác, việc vận hành kết hợp giữa thủy điện tích năng và điện mặt trời cũng đáng quan tâm. Vào giữa trưa, khi phụ tải giảm, điện mặt trời phát cao, khi đó thủy điện tích năng sẽ là nguồn tiêu thụ công suất để chạy bơm tích nước. Khi không còn điện mặt trời và phụ tải cao điểm, thủy điện tích năng sẽ đảm nhiệm vai trò phát công suất phủ đỉnh vào hệ thống điện. Như vậy sẽ tận dụng được hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo này.
Ngoài ra, theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại COP26, Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Cơ cấu nguồn của hệ thống điện zero khí thải sẽ bao gồm chủ yếu là các nguồn điện tái tạo có công suất không ổn định, chủ yếu là điện mặt trời và điện gió. Trong khi các nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (như nhiệt điện than và nhiệt điện khí) sẽ bị loại bỏ dần. Rõ ràng khi đó nguồn điện sạch với quy mô công suất lớn sẽ chủ yếu là nguồn thủy điện và thủy điện tích năng. Một lần nữa cho thấy rằng thủy điện tích năng có vai trò lớn trong tương lai.
Hình 5. Minh họa các khoảng thời gian phát điện và bơm nước của thủy điện tích năng trong biểu đồ phụ tải hàng ngày (Nguồn: Nhóm nghiên cứu PECC2)
2.4 Phát triển mô hình vận hành kết hợp giữa thủy điện và điện mặt trời
Trong bối cảnh phát triển mạnh năng lượng tái tạo (NLTT) như hiện nay, đặc biệt là nguồn điện mặt trời có công suất không ổn định, việc huy động thủy điện để giải quyết vấn đề an toàn ổn định của hệ thống điện là rất quan trọng.
Hiện nay, EVN có rất nhiều nhà máy thủy điện hiện hữu với công suất lớn, tập trung ở Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ (đây là những khu vực có tiềm năng bức xạ mặt trời tốt), diện tích đất bảo vệ công trình và phục vụ vận hành là khá lớn. Do đó, có thể lắp đặt điện mặt trời trên mặt nước và mặt đất phù hợp.
Ngoài ra, nhà máy thủy điện hiện hữu đã có hạ tầng kỹ thuật có thể giảm thiểu vốn đầu tư khi xây dựng điện mặt trời (đặc biệt là điện mặt trời nổi).
Việc đầu tư xây dựng điện mặt trời hybrid với thủy điện hiện hữu có thể nghiên cứu theo tỷ lệ 50% điện mặt trời hybrid với 100% công suất thủy điện hiện hữu (tùy đặc điểm của từng vị trí mà có nghiên cứu cụ thể). Các ưu điểm có thể nhận thấy:
- Chi phí đầu tư điện mặt trời sẽ thấp hơn so với việc đầu tư một dự án điện mặt trời độc lập.
- Công suất phát không ổn định của điện mặt trời được tua bin của nhà máy thủy điện điều phối đảm bảo công suất phát ổn định. Đảm bảo an toàn hệ thống điện.
- Việc huy động công suất cho hệ thống điện của mô hình nhà máy hybrid có thể lớn hơn công suất của nhà máy thủy điện hiện hữu do có thêm điện mặt trời.
3 Một số nhận định
Thủy điện Việt Nam một thời gian dài giữ vị trí quan trọng trong hệ thống điện, nhưng đến nay và thời gian tới, nhiều nguồn điện mới được bổ sung như năng lượng tái tạo, nhiệt điện khí... tỷ trọng thủy điện sẽ giảm nhiều. Tuy nhiên, với đặc điểm của nó, ngoài cung cấp điện, còn điều tiết lũ, đảm bảo môi trường sinh thái, đặc biệt đảm bảo an ninh nguồn nước, ổn định an toàn hệ thống điện, thì việc duy trì và sử dụng hiệu quả thủy điện đã có và sẽ xây dựng là đặc biệt quan trọng.
Khi tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo tăng cao, sự thay đổi công suất đột ngột của các nguồn năng lượng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hệ thống điện. Vì vậy vai trò phủ đỉnh của thủy điện để giữ ổn định hệ thống điện là vô cùng quan trọng. Để đáp ứng được điều này, trong thời gian tới, việc phát triển mở rộng các nhà máy thủy điện hiện hữu cũng như phát triển thủy điện tích năng phù hợp là xu hướng tất yếu.
Quy hoạch phát triển điện hiện tại chủ yếu tập trung ở một số nhà máy thuộc EVN sở hữu mà chưa xem xét đến các nhà máy của các chủ đầu tư khác. Trong khi đó, tiềm năng mở rộng các nhà máy thủy điện hiện hữu là rất khả thi. Hơn nữa, một số nhà máy thủy điện lớn như NMTĐ Sơn La, NMTĐ Lai Châu cần được xem xét về quy mô mở rộng với thời điểm thích hợp. Như vậy, có thể nói rằng tiềm năng mở rộng thủy điện hiện hữu là rất lớn.
Về thủy điện tích năng: đây cũng là loại hình năng lượng rất tiềm năng. Khả năng đáp ứng nhanh hệ thống điện nhất là phủ đỉnh và khi cơ cấu nguồn năng lượng tái tạo tăng cao là rất phù hợp để phát triển.
Mặc dù tiềm năng là rất lớn, nhưng trong quá trình phát triển dự án, các khó khăn là không thể tránh khỏi. Các khó khăn có thể được liệt kê như sau:
- Về cơ chế giá: Hiện nay, thủy điện mở rộng và thủy điện tích năng chưa có cơ chế giá mua bán điện. Chậm cơ chế về giá điện sẽ ảnh hưởng đến tiến độ phát triển của thủy điện mở rộng và thủy điện tích năng.
- Ảnh hưởng đến môi trường: ảnh hưởng đến môi trường cụ thể nhất là ảnh hưởng đến rừng tự nhiên và rừng phòng hộ. Vị trí có khả năng xây dựng thủy điện tích năng phần lớn nằm trong rừng phòng hộ hoặc rừng tự nhiên. Việc chuyển đổi đất rừng gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, một số chính sách và cơ chế có thể được xem xét:
- Ưu tiên, khuyến khích phát triển nguồn thủy điện (thủy điện nâng cấp mở rộng, thủy điện tích năng) nếu đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường (tự nhiên và xã hội).
- Ban hành các quy định cụ thể, rõ ràng liên quan đến quy hoạch, cấp phép, phê duyệt dự án để đảm bảo rút ngắn tiến độ thực hiện cho thủy điện nâng cấp mở rộng và thủy điện tích năng.
- Ban hành giá liên quan đến dịch vụ phụ trợ hệ thống điện để giúp cho quá trình phân tích hiệu quả tài chính của các dự án nâng công suất thủy điện, hoặc thủy điện tích năng được nhất quán và chính xác hơn.
- Ban hành cơ chế, chính sách để có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn tài chính ưu đãi cho các dự án thủy điện, đặc biệt là thủy điện tích năng.
Ngoài ra, cần có nghiên cứu kỹ về vận hành kết hợp giữa thủy điện và điện mặt trời, kể cả tham khảo các dự án đã vận hành ở nước ngoài để có đánh giá một cách toàn diện về tính khả thi, từ đó kiến nghị EVN xin cơ chế chính sách phát triển một vài dự án thí điểm trong tương lai.
Thực hiện: Vũ Hải Ngọc, Khưu Minh Hưng
Tài liệu tham khảo
[1] |
PGS, TS. Bùi Huy Phùng - Hội Đồng Khoa Học Tạp Chí Năng Lượng Việt Nam, "Thủy điện Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu," 14/07/2021. [Online]. Available: https://nangluongvietnam.vn/thuy-dien-viet-nam-trong-boi-canh-bien-doi-khi-hau-26864.html. |
[2] |
Ngô thế Vinh, "Trên bàn cờ Mekong những con đập thủy điện và tỵ nạn môi sinh," 2015. |
[3] |
TS. Nguyễn Huy Hoạch - Hội Đồng Phản Biện Tạp Chí Năng Lượng Việt Nam, "Vai trò của thủy điện trong hệ thống khi Việt Nam phát triển mạnh điện mặt trời," 27/10/2022. [Online]. Available: https://nangluongvietnam.vn/vai-tro-cua-thuy-dien-trong-he-thong-khi-viet-nam-phat-trien-manh-dien-mat-troi-25978.html. |
[4] |
Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia – EVN NLDC, [Online]. |
[5] |
Báo cáo thường niên EVN, [Online]. |
[6] |
Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
[7] |
Barbour, Edward, et al., "A review of pumped hydro energy storage development in significant international electricity markets," Renewable and sustainable energy reviews 61 (2016): 421-432, [Online]. Available: https://sci-hub.se/https://doi.org/10.1016/j.rser.2016.04.019. |