Blog Detail Pic

Bối Cảnh, Các Xu Thế Chính Trên Thế Giới Và Hàm Ý Cho Phát Triển Ngành Năng Lượng Việt Nam

trung.pd2 | Jan 10, 23

Bối Cảnh, Các Xu Thế Chính Trên Thế Giới Và Hàm Ý Cho Phát Triển Ngành Năng Lượng Việt Nam

1       Bối cảnh và xu thế phát triển năng lượng thế giới 

1.1   Sơ lược bối cảnh thế giới 2022

Thế giới đang bước vào một thời kỳ đầy biến động với sự bền vững mong manh do các thay đổi kinh tế, địa chính trị, môi sinh và tình trạng khẩn cấp sức khỏe toàn cầu.

Về kinh tế, năm 2022 chứng kiến tốc độ tăng trưởng toàn cầu suy giảm, tỷ lệ lạm phát tăng cao, gánh nặng nợ gia tăng và chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước. Giá sinh hoạt ở nhiều nước trở nên đắt đỏ hơn.

 

Hình 1.1.            Tình hình lạm phát theo giá thực phẩm và nhiên liệu [1]

Về địa chính trị, các toan tính của các nước lớn và các mâu thuẫn lợi ích dẫn đến nhiều cuộc xung đột diễn ra trên thế giới, đặc biệt nghiêm trọng là cuộc chiến Nga – Ukraine diễn ra từ cuối tháng 02/2022 và cho đến nay vẫn chưa có tín hiệu hạ nhiệt từ cả hai phía, đã và đang làm trầm trọng thêm tình hình an ninh năng lượng và an ninh lương thực toàn cầu.

Về môi sinh, theo báo cáo của Tổ chức khí tượng thế giới WMO [2], nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2021 đã vào khoảng 1,11 ± 0,130C trên mức trung bình của giai đoạn tiền công nghiệp 1850-1900; mực nước biển trung bình toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong năm 2021 với mức tăng trung bình 4,5 mm mỗi năm trong giai đoạn 2013-2021. Nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, hạn hán, mưa lớn, lũ lụt, bão mạnh xảy ra ở nhiều nơi, nhiều khu vực trên thế giới trong năm 2022.

Về tình trạng khẩn cấp sức khỏe toàn cầu, theo Tổ chức Y tế thế giới WHO [3], đại dịch COVID-19 đã làm hơn 6,3 triệu người chết, làm suy thoái kinh tế toàn cầu và đẩy 135 triệu người vào tình cảnh nghèo khổ. Thêm vào đó, mức độ rủi ro xảy ra tình trạng khẩn cấp sức khỏe mới ngày càng tăng cao do khủng hoảng khí hậu, suy giảm nghiêm trọng môi trường và bất ổn địa chính trị. Trong năm 2022 các cuộc khủng hoảng nhân đạo đã tác động đến 300 triệu người.

Đối mặt với các thách thức và các cuộc khủng hoảng đan xen đó, thế giới cần có sự hợp tác toàn cầu và hợp tác ở từng khu vực để gia tăng khả năng chống chịu, phục hồi và phát triển bền vững.

Tiếp nối Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững (được Liên hợp quốc thông qua vào năm 2015) với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) kêu gọi hành động toàn cầu nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chất lượng cuộc sống và đảm bảo mọi người ở khắp mọi nơi có thể tận hưởng hòa bình và thịnh vượng, hơn bao giờ hết các nước cùng phải quyết tâm hơn nữa để đạt được các mục tiêu bền vững này.

Hình 1.2.            17 mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu (SDG) [4]

Về hợp tác chống biến đổi khí hậu, Hội nghị lần thứ 27 của các Bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đã diễn ra tháng 11 năm 2022 tại Ai Cập. Đây là hội nghị được tổ chức thường niên với hai thỏa thuận đột phá tại các hội nghị trước đây là: 1) Thỏa thuận Paris tại COP 21 vào năm 2015 đã được 95 quốc gia phê chuẩn hoặc phê duyệt và chính thức có hiệu lực từ ngày 4 tháng 11 năm 2016, với nội dung chính là hạn chế tình trạng nóng lên của Trái Đất ở mức dưới 2oC vào năm 2100 và nỗ lực cho một mục tiêu tham vọng hơn là 1,5oC so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp; và 2) Hiệp ước Khí hậu Glasgow được 197 Bên tham dự COP 26 đồng thuận, trong đó có cam kết giảm dần sử dụng than.

Hội nghị COP27 vừa khép lại với một thoả thuận lịch sử về việc thành lập quỹ bồi thường tổn thất và thiệt hại cho các nước dễ bị tổn thương. Đây được xem là chiến thắng lớn cho các quốc gia nghèo là các nước đang bị tàn phá bởi thảm họa khí hậu mặc dù các nước này chỉ góp phần rất nhỏ vào tình trạng ô nhiễm chung toàn cầu.

Cũng trong tháng 11 năm 2022 đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali, Indonesia. Tại tuyên bố chung G20, các nhà lãnh đạo G20 khẳng định quyết tâm phối hợp hành động nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự hướng tới phục hồi toàn cầu mạnh mẽ, toàn diện và bền vững.

1.2     Những vấn đề nổi bật trong bức tranh năng lượng toàn cầu 2022

Năm 2022 đang chứng kiến những vấn đề, những sự kiện liên quan đến năng lượng có tính nổi bật sau đây.

1) Dân số toàn thế giới “cán mốc” 8 tỷ người

Theo số liệu của Liên Hợp quốc [5], dân số thế giới đạt mốc 8 tỷ người vào ngày 15/11/2022. Một thế giới 8 tỷ người đang hiện diện cùng với 8 xu hướng chính: (1) tốc độ tăng dân số giảm; (2) tỷ suất sinh giảm và số lượng trẻ sơ sinh ít hơn; (3) tuổi thọ tăng lên (72,8 năm, theo số liệu năm 2019); (4) di dân tăng với khoảng 281 triệu người sống ngoài tổ quốc của họ (số liệu năm 2020); (5) dân số già hóa đi; (6) nữ giới sống thọ hơn nam giới; (7) chống chịu 2 cuộc đại dịch COVID 19 và HIV/AIDS; (8) dịch chuyển các trung tâm tập trung dân số.  

Dân số thế giới đạt mốc mới là một thách thức lớn cho an ninh năng lượng với mục tiêu đảm bảo năng lượng sạch và giá thành hợp lý trong bối cảnh năm 2022 có đến khoảng 775 triệu người sống trong tình trạng thiếu điện [6].

2) Bùng phát khủng hoảng năng lượng toàn cầu

Âm ỉ với những bất ổn từ những năm trước đây và châm ngòi bởi cuộc chiến tranh Nga – Uckraine từ tháng 2 năm 2022, thế giới đang bước vào cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu bao trùm cả dầu mỏ, khí đốt, than và điện. Với việc các nước phương Tây cấm vận kinh tế Nga và tẩy chay nguồn cung năng lượng từ Nga, một nước xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch hàng đầu thế giới, tình trạng thiếu hụt trên thị trường năng lượng thế giới càng trở nên trầm trọng.

Tình trạng mất cân bằng của hệ thống năng lượng toàn cầu đẩy giá nhiên liệu biến động và tăng cao trong năm 2022.

Hình 1.3.            Mức tăng giá khí theo khu vực từ tháng 6/2021 đến tháng 10/2022 [7]

Các nước châu Âu trước đây phụ thuộc chủ yếu vào nguồn khí đốt của Nga, đang chuyển hướng sang các nguồn cung khác, như khí đốt thay thế từ Algeria, Norway, Azerbaijan và LNG từ Hoa Kỳ, Qatar, Australia, đồng thời một số nước cũng đang khôi phục lại hoặc kéo dài hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than và nhà máy điện hạt nhân để tăng khả năng chống chịu với tình hình cung ứng năng lượng.

Cơn khát năng lượng của các nước Châu Âu lại đẩy các nước khác, đặc biệt là các nước nghèo, phải mua nhiên liệu với giá đắt đỏ hoặc lâm vào tình trạng thiếu điện kéo dài.

3) Nhiên liệu hóa thạch vẫn còn đóng vai trò quan trọng trong vài năm tới 

Theo IEA [8], khủng hoảng năng lượng đã thúc đẩy sự gia tăng đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả than. Khoảng 105 tỷ USD được đầu tư vào chuỗi cung ứng than trong năm 2021, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020 và dự kiến sẽ tăng thêm 10% vào năm 2022. Sự gia tăng này chủ yếu do 2 nước Châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ.

Tương tự, đầu tư trong lĩnh vực dầu và khí thiên nhiên thượng nguồn cũng dự kiến tăng 10% trong năm nay, nhưng vẫn giữ mức thấp hơn so với năm 2019. Riêng các công ty dầu mỏ tại các quốc gia Trung Đông đang tìm cách tăng cường năng lực sản xuất dầu với chỉ tiêu đầu tư cao hơn so với năm 2019.

Hình 1.4.            Sự thay đổi trong việc đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch [8]

Các nước xuất khẩu và nhập khẩu LNG đều đang đẩy mạnh việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng. Các nước như Hoa Kỳ, Canada, Qatar, Malaysia, Nigeria v.v… khởi động lại các dự án hóa lỏng và kho cảng xuất LNG mới, còn các nước Châu Âu tập trung đầu tư vào các dự án kho cảng tiếp nhận và tái hóa khí LNG.

Những nước có tiềm năng và trữ lượng nhiên liệu hóa thạch đang tích cực đẩy mạnh khai thác và sử dụng các loại nhiên liệu này. Các nước phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch cũng đang cạnh tranh mạnh mẽ để tiếp cận các nguồn cung này.

4) Cam kết hỗ trợ các nước nghèo, các nước đang phát triển được đưa ra tại Hội nghị COP27 và Hội nghị thượng đỉnh G20

Tại Hội nghị COP27 các bên đã đạt được thoả thuận về việc thành lập quỹ bồi thường tổn thất và thiệt hại cho các nước dễ bị tổn thương.

Tại Hội nghị G20, các nhà lãnh đạo G20 nhấn mạnh sự cấp thiết nhanh chóng chuyển đổi và đa dạng hóa các hệ thống năng lượng, tăng cường an ninh năng lượng, khả năng ứng phó và ổn định thị trường, bằng cách đẩy nhanh và đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, bền vững, công bằng, với giá cả phải chăng cũng như dòng đầu tư bền vững. G20 kêu gọi các nước phát triển thực hiện các cam kết nhằm huy động khẩn cấp 100 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2020-2025 để hỗ trợ các nước đang phát triển, giúp hoàn thành mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

5) Tăng cường đầu tư vào năng lượng sạch

Theo IEA [8], đầu tư vào năng lượng sạch dự kiến đạt mức kỷ lục (hơn 1.400 tỷ USD) trong năm 2022, chiếm phần lớn trong tổng vốn đầu tư năng lượng trên toàn thế giới. Theo thống kê của IEA, trong vòng 5 năm sau khi Hiệp định Paris được ký kết (năm 2015), đầu tư vào năng lượng sạch chỉ tăng khoảng 2% mỗi năm. Nhưng kể từ năm 2020, vốn đầu tư vào năng lượng sạch đã tăng nhanh đáng kể lên 12%, nhờ sự hỗ trợ tài chính từ các Chính phủ, xu hướng tài chính bền vững, đặc biệt là ở các nền kinh tế phát triển cao.

Hình 1.5.            Đầu tư vào năng lượng sạch giai đoạn 2017 – 2022 [8]

6) Tầm quan trọng của khoáng chất hiếm

Sự phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo đòi hỏi phải đầu tư nhiều hơn và bảo đảm chuỗi cung ứng khoáng chất hiếm do các hệ thống năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời cần lượng khoáng chất hiếm lớn hơn nhiều so với loại nguồn điện truyền thống.

Theo dự báo của IEA [9], nhu cầu khoáng chất hiếm sẽ tăng từ 7 triệu tấn vào năm 2021 lên 20 triệu tấn vào năm 2050 theo kịch bản phát thải ròng bằng “0”. Các loại khoáng chất hiếm bao gồm đồng, các nguyên tố đất hiếm, silicon và lithium.

Để giảm gánh nặng nhu cầu khoáng chất hiếm, nhiều nước đang đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển để cải thiện hiệu quả sử dụng khoáng chất hiếm và dùng các khoáng chất thay thế; ứng dụng các công nghệ và kỹ thuật phù hợp để tái chế và tái sử dụng các khoáng chất hiếm.

7) Thực hiện các giải pháp tăng hiệu suất năng lượng và tiết giảm nhu cầu

Cuộc khủng hoảng năng lượng thúc đẩy các nước phải sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, đồng thời cần có các giải pháp thay đổi công nghệ và hành vi nhằm tiết giảm sử dụng năng lượng.

Tốc độ cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng có ý nghĩa quan trọng đối với các nền kinh tế. Theo dự báo của IEA [9] với kịch bản các chính sách quốc gia đã được công bố, cường độ sử dụng năng lượng được cải thiện 2,4% mỗi năm trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, nhờ đó sẽ giảm gánh nặng sử dụng năng lượng khoảng 44 EJ (1EJ = 1018J), tương đương 10% tổng tiêu thụ sau cùng, vào năm 2030.

8) Chuyển dịch việc làm trong ngành năng lượng

Theo báo cáo của IEA [9], chuyển dịch năng lượng đang thực hiện việc chuyển đổi bối cảnh việc làm trong ngành năng lượng, với hơn 50% nguồn nhân lực trong ngành năng lượng làm việc trong các lĩnh vực năng lượng sạch. 

Hình 1.6.            Việc làm toàn cầu theo nhiên liệu hóa thạch và năng lượng sạch [9]

9) Bài toán xuất khẩu năng lượng của nước Nga

Với cuộc chiến Nga – Ukraine đang diễn ra và đỉnh điểm là vụ nổ đường ống Nord Stream, quan hệ thương mại nhiên liệu hóa thạch giữa Nga và Châu Âu bị đứt gãy nghiêm trọng, khó có thể hàn gắn hoặc phục hồi trong tương lai trung hạn.

Nga đang “xoay trục” hướng Đông về thị trường nhiên liệu hóa thạch của Châu Á, chú trọng vào các đối tác quan trọng là Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước được Moscow xem là “thân thiện” ở Châu Á – Thái Bình Dương. Đối với thị trường Trung Quốc, Nga đang có kế hoạch xây dựng thêm đường ống dẫn khí Power of Siberia-2 đi qua Mông Cổ, có thể cung cấp tới 50 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm cho Trung Quốc.

10) Đẩy mạnh phát triển ứng dụng các công nghệ năng lượng mới

Công nghệ tích trữ năng lượng:

Các hệ thống tích trữ năng lượng đang được đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và ứng dụng ở các nước nhằm hỗ trợ cho phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo như gió và mặt trời.

Trong các công nghệ tích trữ năng lượng, thủy điện tích năng là công nghệ được áp dụng từ lâu và đang chiếm tỷ trọng áp đảo trong ứng dụng tích trữ năng lượng. Theo số liệu năm 2020 của MIT [10], thủy điện tích năng chiếm khoảng 90% tổng công suất tích trữ năng lượng (trong lưới điện) toàn cầu.

Tiếp đến là công nghệ tích trữ điện hóa như pin lithium-ion, pin natri-lưu huỳnh cũng đang được triển khai ứng dụng thương mại.

Công nghệ tích trữ nhiệt năng đang được nhiều tổ chức nghiên cứu phát triển và hiện đang trong giai đoạn trình diễn, thử nghiệm.

Hydro:

Năm 2022 đang chứng kiến sự tăng tốc của dòng tiền đầu tư vào nghiên cứu phát triển các công nghệ hydro xanh, đặc biệt là từ nguồn tài trợ của các chính phủ.

Đối với công nghệ điện phân nước, theo số liệu của IEA [11], trong năm 2022 dự kiến có khoảng 900 MW tổng công suất các hệ thống điện phân được đưa vào vận hành.

Điển hình trong số đó là dự án nhà máy sản xuất hydro xanh Puertollano ở Tây Ban Nha. Nhà máy này gồm hệ thống điện mặt trời công suất 100 MW, hệ thống pin lithium-ion công suất lưu trữ 20 MWh và hệ thống điện phân sản xuất hydro có công suất lớn nhất thế giới hiện nay là 20 MW, sản xuất 3.000 tấn hydro/ năm. Dự án có tổng mức đầu tư 150 triệu Euro và đã được đưa vào vận hành vào tháng 3/2022 [12].

Đối với công nghệ vận chuyển hydro quốc tế, năm 2022 cũng chứng kiến một mốc phát triển đáng nhớ là vào tháng 2, tàu chở hydro lỏng Suiso Frontier, của hãng đóng tàu Kawasaki Heavy Industries, đã hoàn thành vận chuyển chuyến hàng hydro lỏng đầu tiên trên thế giới giữa Australia và Nhật. 

Lò phản ứng quy mô nhỏ:

Lò phản ứng quy mô nhỏ (SMR – Small Modular Reactor) có công suất điện từ 300 MW trở xuống, hiện đang được nhiều nước, đặc biệt là Nga, Hoa Kỳ, Trung Quốc đẩy mạnh phát triển nghiên cứu và ứng dụng. Các lò phản ứng quy mô nhỏ được cho là có tiềm năng đáng kể do tính an toàn được cải thiện, tổng chi phí đầu tư ban đầu thấp hơn và thời gian thi công lắp đặt nhanh hơn so với nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn.

Hiện nay, trên thế giới đang phát triển các công nghệ SMR với hơn 70 thiết kế, trong đó có công nghệ lò phản ứng muối nóng chảy kích thước gọn (Compact Molten Salt Reactor – CMSR) được SEABORG (Đan Mạch) phát triển và đang hợp tác với PECC2 để nghiên cứu tiềm năng ứng dụng ở Việt Nam sau năm 2030.

1.3     Chuyển dịch năng lượng toàn cầu vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0”

Chuyển dịch năng lượng toàn cầu được thúc đẩy bởi mệnh lệnh kép của thời đại, đó là phải giới hạn độ tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5oC vào năm 2050 và củng cố quá trình phát triển bền vững nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Quá trình chuyển dịch năng lượng được diễn ra theo các xu hướng chính, đặc trưng bởi 4 chữ D trong tiếng Anh:

Decarbonization – Khử cacbon hay trung hòa cacbon: Giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính về giá trị ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo Diễn đàn năng lượng thế giới (World Economic Forum), quá trình trung hòa cacbon diễn ra theo ba nhóm các hoạt động sau: i) Nhóm hoạt động sạch hóa hạ tầng hiện tại; ii) Nhóm hoạt động tăng tốc sự chuyển dịch; và iii) Nhóm hoạt động mở rộng ranh giới, như minh họa ở Hình 1.7[13].

Decentralization – Phi tập trung hay phân tán: Dịch chuyển từ việc tập trung vào một lưới điện lớn của quốc gia sang phân tán thành các lưới điện nhỏ hơn, với mục tiêu bảo đảm rằng năng lượng được tạo ra sẽ được tiêu thụ tại các hộ tiêu thụ lân cận. Nhờ dịch chuyển sang hướng phân tán, các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời v.v… vốn có ở khắp nơi, được sử dụng hiệu quả hơn, làm cho thị trường điện cạnh tranh hơn.

Digitalization – Khai thác cơ hội số hay chuyển đổi số: Đẩy mạnh sử dụng công nghệ số, dữ liệu và các nền tảng số nhằm quản lý tốt hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.

Democratization – Dân chủ hóa: Kiến tạo ngành năng lượng công bằng hơn cho các bên liên quan, từ sản xuất, phân phối cho đến quản lý và tiêu thụ năng lượng. 

Hình 1.7.            3 nhóm hoạt động để đạt được mục tiêu trung hòa cacbon [13]

Cuộc chiến Nga - Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay là những thách thức rất lớn đối với công cuộc chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Chúng có tác động thúc đẩy hay kéo lùi quá trình chuyển dịch năng lượng là phụ thuộc vào ý chí, cam kết của các nước, của các tổ chức quốc tế và khu vực.

Nhiều nước đang chịu các áp lực đồng thời lên cả 3 trụ cột chuyển dịch năng lượng, đó là: phát triển và tăng trưởng kinh tế, bền vững môi trường, an ninh năng lượng với giá thành hợp lý. Vì vậy, cần thiết phải thúc đẩy hợp tác quốc tế, hỗ trợ cho các nước đang phát triển để dẫn dắt công cuộc chuyển dịch năng lượng toàn cầu đi đúng định hướng với mục tiêu đề ra, trên cơ sở các chiến lược, giải pháp tổng thể, bao trùm và cân bằng, với các ưu tiên sau đây.

1)Tất cả các nước cần nỗ lực hơn nữa để thực hiện đầy đủ và đúng hẹn các mục tiêu cam kết về chống biến đổi khí hậu. Cần cụ thể hóa các cam kết quốc tế bằng các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực bắt buộc thi hành trong nước.

2)Các nước cần dỡ bỏ các rào cản và xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này. Có các biện pháp kiểm soát tốt các yếu tố rủi ro có ảnh hưởng đến đầu tư vào năng lượng tái tạo như lãi suất tăng cao, biến động giá hàng hóa, thách thức an ninh chuỗi cung ứng.

3)Các nước cần đẩy mạnh thực hiện chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; giảm cường độ sử dụng năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế; hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi hoạt động xã hội.

4)Các khu vực trên thế giới cần hình thành các thị trường năng lượng khu vực để hỗ trợ tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy thương mại và kết nối lưới điện xuyên biên giới.

5)Các tổ chức quốc tế, các nước phát triển cần thực hiện cam kết hỗ trợ cho các nước đang phát triển, các nước nghèo trong quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch, chú trọng vào hỗ trợ tài chính, đầu tư/ tài trợ cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và dự án năng lượng tái tạo.

6)Các nước phát triển đẩy mạnh quá trình nghiên cứu phát triển để sớm đưa vào ứng dụng thương mại các công nghệ mới như công nghệ tích trữ nhiệt năng, công nghệ hydro xanh, công nghệ lò phản ứng quy mô nhỏ. Đồng thời có kế hoạch chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển để các nước này làm chủ công nghệ và chủ động thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng.

2         Chính sách phát triển bền vững quốc gia và xu hướng chuyển dịch năng lượng Việt Nam

2.1     Chính sách và các cam kết quốc tế về phát triển bền vững của Việt Nam

Việt Nam là một trong những nước tích cực và chủ động tham gia các cam kết quốc tế về phát triển bền vững. Ngay từ năm 2017, Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc đã xây dựng một kế hoạch chiến lược chung (One Strategic Plan – OSP) nhằm lồng ghép SDG với Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

Đến năm 2020, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 để thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong các ngành, các cấp và các địa phương đến năm 2030, với quan điểm chỉ đạo: “Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia” [14].

Các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam (VSDGs) đối chiếu với các mục tiêu của Liên hợp quốc (SDGs) được trình bày ở Hình 1.8.

Hình 1.8.            Các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 theo Nghị quyết 136/NQ-CP

2.2     Xu hướng chuyển dịch năng lượng Việt Nam

Việt Nam đặt mục tiêu của việc phát triển năng lượng là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, được phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, nhấn mạnh định hướng chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, bền vững: “Nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng, khai thác và sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng trong nước và chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia” [15]. 

Vào tháng 12/2021, tại COP26, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; cùng 141 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất và cùng gần 50 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Các mục tiêu và cam kết nêu trên đề ra định hướng, khung phát triển cho quá trình chuyển dịch năng lượng Việt Nam. Việt Nam đang triển khai các chiến lược, giải pháp tổng thể sau đây để thực hiện chuyển dịch năng lượng.

1)    Cụ thể hóa các cam kết quốc tế bằng các văn bản quy phạm pháp luật

Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 (theo Quyết định 2157/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 2021), với nhiệm vụ chỉ đạo, điều phối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tăng cường điều phối các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu giữa các bộ, ngành, địa phương và hợp tác giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển và các nước.

Nhằm hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại COP26, Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ, ngành hoàn thiện để sớm phê duyệt và ban hành các văn bản quan trọng sau đây:

-       Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26;

-       Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050;

-       Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045;

-       Kế hoạch hành động giảm phát thải khí methan đến năm 2030;

-       Kế hoạch thực hiện Tuyên bố về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch;

-       Đề án phát triển thị trường cacbon tại Việt Nam theo quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;

-       Đề án tổ chức Hội nghị đối thoại hợp tác với các đối tác phát triển về triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" và chuyển đổi năng lượng.

2)    Tháo gỡ vướng mắc, tạo cơ chế khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo

Về các vướng mắc trong đầu tư vào năng lượng tái tạo, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương xem xét những bất cập để sửa đổi các quy định hiện hành tạo thông thoáng cho các hoạt động phát triển năng lượng tái tạo.

Chính phủ Việt Nam dự kiến sẽ ban hành Nghị quyết chấp thuận hoạt động đo gió, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tác động môi trường trên biển phục vụ lập các dự án điện gió có tính cấp bách.

Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khảo sát, đánh giá tổng thể về tiềm năng điện gió trên cả nước.

Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành cơ chế xác định giá bán điện, cho phép áp dụng Cơ chế mua bán điện trực tiếp;  trình cấp có thẩm quyền ban hành quy hoạch chi tiết phát triển điện gió ngoài khơi.

3)    Thực hiện chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Việt Nam đã quan tâm chú trọng đến việc xây dựng, thực thi các chính sách tiết kiệm năng lượng thông qua ban hành nhiều chính sách liên quan cũng như phát động triển khai những hoạt động cụ thể để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả toàn xã hội.

Ngày 13 tháng 03 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 với mục tiêu tiết kiệm được từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn đến năm 2025 và đạt từ 8-10% trong cả giai đoạn từ 2019 đến năm 2030, tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Chương trình đề ra các giải pháp toàn diện và đồng bộ trong việc: (i) Xây dựng, kiện toàn và thực thi mạnh mẽ các quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (ii) Thiết lập các cơ chế ưu đãi, khuyến khích, các hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính để thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trên tất cả các mặt của nền kinh tế và của toàn xã hội [16].

Ngày 07 tháng 05 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025, đề ra mục tiêu tiết kiệm mỗi năm 2% điện năng tiêu thụ cũng như xác định các giải pháp mà các Bộ, ngành, địa phương và các đối tượng sử dụng điện phải thực hiện để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đề ra [17].

Mục tiêu của việc thực thi chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là nhằm hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi hoạt động xã hội; giảm cường độ sử dụng năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế; tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

4)    Kết nối lưới điện khu vực

Chủ trương liên kết với lưới điện các nước trong khu vực được Chính phủ Việt Nam quan tâm và chỉ đạo từ đầu những năm 2000 với chiến lược trọng tâm là nhập khẩu 2.000-3.000MW các nhà máy điện của Lào cũng như liên kết với lưới điện Campuchia và Trung Quốc. Từ đó, Việt Nam đã hình thành lưới điện liên kết 220kV với Trung Quốc và Lào theo 5 hướng kết nối tại Lào Cai, Hà Giang, Quảng Nam, Gia Lai và An Giang.

Việt Nam dự kiến sẽ đẩy mạnh liên kết với lưới điện của Lào ở các tỉnh biên giới: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam ở cấp điện áp 220kV và 500kV để nhập khẩu điện; nâng cấp liên kết lưới điện khu vực lên cấp điện áp 500kV tại 3 điểm Sơn La, Quảng Nam, Kon Tum để tham gia hình thành xương sống lưới điện truyền tải ASEAN Power Grid (APG) đã được lãnh đạo ASEAN thông qua từ năm 2014, hướng tới thị trường điện các nước ASEAN nằm trong Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Một lưới điện truyền tải APG, khi hình thành, sẽ cho phép kinh doanh năng lượng đa phương trong khu vực ASEAN, tăng cường khả năng liên kết, an ninh năng lượng và tính bền vững thông qua các kết nối điện hiện có; mang lại cơ hội khai thác các nguồn năng lượng tái tạo và cacbon thấp trong khu vực, góp phần thúc đẩy chuyển dịch năng lượng của các nước ASEAN.

5)    Tranh thủ sự hỗ trợ tài chính của các đối tác quốc tế

Việt Nam xác định rõ rằng việc vừa bảo đảm an ninh năng lượng vừa giảm phát thải khí nhà kính là một thách thức to lớn, đòi hỏi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Vì vậy, Việt Nam vẫn đang tiếp tục đề nghị các nước phát triển, các đối tác quốc tế thực hiện các cam kết của họ về chuyển đổi năng lượng công bằng, công lý và hỗ trợ tài chính, cho vay với lãi suất hợp lý, để Việt Nam chủ động thực hiện quá trình chuyển dịch năng lượng.

6)    Hợp tác đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ

Việt Nam đang chuẩn bị kế hoạch đàm phán và những vấn đề chính trong khuôn khổ chương trình Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, công lý, nhằm tranh thủ sự hỗ trợ của các nước phát triển không chỉ về tài chính mà còn về đào tạo nguồn nhân lực, về chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo, giúp Việt Nam xây dựng và phát triển ngành công nghiệp sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện các kế hoạch cụ thể hóa các chính sách, các giải pháp nêu trên. 

Tuy nhiên, để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 về mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đồng thời để xác định rõ các mục tiêu cụ thể, đồng bộ và lộ trình tổng thể cho ngành năng lượng Việt Nam phát triển bền vững trong xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu, Việt Nam rất cần một chiến lược hoặc quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia.

Ngành năng lượng Việt Nam đã và đang phát triển với các phân ngành: dầu khí, công nghiệp than, điện, năng lượng mới và tái tạo, do Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước.

Việt Nam còn có năng lượng nguyên tử là lĩnh vực năng lượng được điều chỉnh theo Luật Năng lượng nguyên tử và do Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện quản lý nhà nước.

Vì vậy, một chiến lược hay quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia cần bao trùm các tất cả các lĩnh vực, phân ngành năng lượng nêu trên, nhằm nghiên cứu và đánh giá đầy đủ các cơ hội khai thác các loại hình năng lượng đa dạng, an toàn, bền vững; đề xuất các danh mục năng lượng với tỷ trọng và lộ trình thích hợp, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và giá thành hợp lý cho Việt Nam.

3         Hợp tác năng lượng

3.1     Một số hiệp định và thỏa thuận hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng

Các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam đối với phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác với nhiều tổ chức, đối tác quốc tế.

Liên minh Châu Âu cam kết hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam thông qua Hiệp định tài chính Chương trình chuyển đổi năng lượng bền vững Việt Nam – EU, hướng tới sự hợp tác toàn diện và bền vững giữa Việt Nam và EU.

Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam xác định hợp tác năng lượng là một trong những trụ cột của hợp tác song phương nhằm hỗ trợ Việt Nam chuyển dịch sang năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai Chính phủ đã ký Hiệp định Hợp tác về việc sử dụng năng lượng hạt nhân hòa bình. Ngoài ra, trong Khuôn khổ Đối thoại an ninh năng lượng Việt Nam – Hoa Kỳ, hai bên định kỳ hàng năm tổ chức đối thoại an ninh năng lượng, thảo luận nhiều chủ đề quan trọng như cơ sở hạ tầng năng lượng, phát triển năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các hợp tác hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ phát triển năng lượng sạch.

Chính phủ Đan Mạch cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng lộ trình phát triển cacbon thấp cho ngành năng lượng, góp phần cụ thể hóa cam kết đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam (NDC) theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, nâng cao mục tiêu NDC và tăng cường các giải pháp liên quan vào năm 2025, thông qua Hiệp định giữa hai Chính phủ Việt Nam và Đan Mạch về Hợp tác phát triển trong Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020 - 2025 (gọi tắt là Chương trình DEPP3).

Trong khối ASEAN, các nước thành viên đã thống nhất Hợp tác Năng lượng ASEAN theo Kế hoạch hành động (Plan of Action for Energy Cooperation - APAEC) phù hợp với các mục tiêu của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Chính phủ Việt Nam cùng các đối tác phát triển quốc tế đã thành lập Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (Viet Nam Energy Partnership Group) vào năm 2017, nhằm sử dụng hiệu quả hỗ trợ quốc tế cho phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc gia và các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Một dấu mốc quan trọng trong hợp tác quốc tế là vào ngày 14 tháng 12 năm 2022 Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế bao gồm Liên minh Châu Âu, Nhóm các nước G7: Vương quốc Anh, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Ý, Canada, và Đan Mạch, Na Uy đã quyết định thiết lập Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), nhằm hỗ trợ Việt Nam phát triển với mức phát thải thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển dịch công bằng và trung hòa cacbon đối với hệ thống điện, mở ra các cơ hội kinh tế để giúp Việt Nam chuyển dịch hướng đến tương lai phát thải ròng bằng “0”. Theo cam kết chính trị của Việt Nam và các đối tác quốc tế tại tuyên bố về Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng, các đối tác quốc tế sẽ huy động, trong vòng 3 đến 5 năm tới, khoản tài chính tối thiểu ban đầu là 15,5 tỉ USD (bao gồm 7,75 tỉ USD từ nguồn tài chính công, 7,75 tỉ USD từ nguồn tài chính tư) dành cho Việt Nam [18].

3.2     Hợp tác quốc tế thúc đẩy chuyển dịch năng lượng Việt Nam

Việt Nam xác định tầm quan trọng của hợp tác quốc tế để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng thông qua việc chủ động thực hiện các nhóm giải pháp được đề ra sau đây [14, 15, 16, 19].

-       Thực hiện chính sách đối ngoại năng lượng linh hoạt, hiệu quả, bình đẳng, cùng có lợi. Mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác năng lượng với các đối tác chiến lược, đối tác quan trọng. Tăng cường quan hệ quốc tế về năng lượng trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực phù hợp với xu thế hội nhập, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại, các quan hệ chính trị - ngoại giao thuận lợi để phát triển năng lượng.

-       Khẩn trương xây dựng chiến lược nhập khẩu năng lượng dài hạn song song với khuyến khích đầu tư, khai thác tài nguyên năng lượng ở nước ngoài để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư dự án năng lượng ở nước ngoài, trước hết là với các dự án nguồn điện tại một số nước láng giềng để chủ động nhập khẩu điện về Việt Nam. Mở rộng quan hệ đối tác với các công ty đầu tư năng lượng, phát triển công nghệ năng lượng tiên tiến.

-       Tăng cường tham gia các diễn đàn, hội nghị, tổ chức quốc tế và khu vực
để nâng cao năng lực, cập nhật công nghệ, tận dụng tri thức và các trợ giúp của quốc tế, chú trọng tăng cường kênh hợp tác với các cơ quan/tổ chức đứng đầu các nước.

-       Mở rộng hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và phát triển công
nghệ, đa dạng hoá các phương thức hợp tác để tận dụng chuyển giao công nghệ và nguồn kinh phí từ các đối tác nước ngoài và xây dựng chuỗi cung ứng trong nước đối với thiết bị năng lượng.

Phù hợp với các mục tiêu và nhóm giải pháp đề ra, theo cam kết chính trị đạt được giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế tại tuyên bố về Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng [18], Việt Nam sẽ cùng các đối tác xây dựng và ban hành Kế hoạch huy động nguồn lực Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng cho Việt Nam (JETP RMP) vào tháng 11 năm 2023 nhằm nhận diện các cơ hội và yêu cầu đầu tư mới để triển khai và thực thi các dự án điện gió, điện mặt trời, truyền tải, hiệu suất năng lượng, lưu trữ, xe điện, hỗ trợ đào tạo, tái đào tạo và dạy nghề; và các giải pháp để thúc đẩy sự hỗ trợ và khắc phục các rào cản đối với đầu tư, phục vụ cho quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng của Việt Nam.

Kế hoạch JETP RMP hỗ trợ Việt Nam thực hiện:

a)Xây dựng khung pháp lý dài hạn, tin cậy và tham vọng cho quá trình chuyển dịch xanh nền kinh tế Việt Nam, tạo cơ chế chính sách và giá để khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, hiệu suất năng lượng; và để tăng cường lưới điện Việt Nam;

b)Đẩy nhanh trung hòa cacbon hệ thống điện từ kế hoạch hiện nay với mức đạt đỉnh phát thải vào năm 2035 là 240 triệu tấn CO2, hạ xuống mức đạt đỉnh thấp hơn 170 triệu tấn CO2 từ lĩnh vực phát điện vào năm 2030;

c)Giảm nguồn điện than, từ kế hoạch hiện tại đề ra mức phát triển công suất tối đa 37 GW, hạ xuống còn 30,2 GW;

d)Tăng tốc triển khai năng lượng tái tạo và phát triển chuyên gia kỹ thuật để hỗ trợ và quản lý lưới điện có nguồn năng lượng tái tạo biến đổi tăng cao, với mục tiêu đưa nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, thủy điện) chiếm tỷ trọng tối thiểu 47% vào năm 2030, thay vì mức kế hoạch đề ra hiện nay là 36%;

e)Dẫn dắt quá trình chuyển dịch công bằng nhằm đảm bảo rằng toàn bộ xã hội được hưởng lợi từ chuyển dịch xanh, tăng sự tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý;

f)Xây dựng và thực thi các chương trình giáo dục, đào tạo dạy nghề và tái đào tạo để phát triển các năng lực và kỹ năng cần thiết và hỗ trợ tạo việc làm cho lao động ở các lĩnh vực và các ngành bị ảnh hưởng bởi sự chuyển dịch; có các hỗ trợ để bảo đảm điều kiện sống tốt hơn cho người lao động sau khi chuyển dịch;

g)Xác định vai trò của khối tư nhân và tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho họ tham gia chủ động vào quá trình chuyển dịch;

h)Tạo các cơ hội để đổi mới sáng tạo công nghệ và đầu tư tư nhân nhằm thúc đẩy hình thành kinh tế phát thải thấp với các công việc xanh và thích hợp; và thiết kế các cơ chế hỗ trợ tiếp cận điện với giá cả phải chăng cho các nhóm thu nhập thấp, dễ bị tổn thương;

i)Đàm phán, với sự hỗ trợ của các đối tác, việc ngừng đầu tư vào các nhà máy điện than để phù hợp với các mục tiêu đã thỏa thuận;

j)Đàm phán đóng cửa các nhà máy điện than cũ, hiệu suất thấp để thúc đẩy tiếp cận năng lượng sạch;

k)Phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, bao gồm nhưng không chỉ giới hạn ở việc phát triển các trung tâm (hub) năng lượng tái tạo, chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo và pin lưu trữ, sản xuất hydro xanh, lập quy hoạch phát triển các nền tảng điện gió ngoài khơi kết hợp với lĩnh vực hậu cần và chuỗi cung ứng (logistics) của nghề đánh bắt cá và nuôi trồng hải sản;

l)Hướng đến thành lập một trung tâm năng lực (Centre of Excellence) về năng lượng tái tạo ở Việt Nam nhằm chia sẻ chuyên môn, hỗ trợ phát triển kỹ năng, hiểu biết công nghệ và chính sách và thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và khối tư nhân về chuyển giao công nghệ để đẩy nhanh và gia tăng quy mô triển khai năng lượng tái tạo và quản lý các hệ thống điện sạch ở Việt Nam và khu vực;

  1. Hiện thực hóa việc sử dụng đất đa mục đích cho sản xuất năng lượng tái tạo, nông nghiệp, hải sản để cải tiến sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp thông qua việc cải thiện tiếp cận năng lượng và tạo việc làm cho người lao động nông thôn.

3.3     Vai trò và đóng góp của PECC2 trong hợp tác quốc tế về năng lượng

PECC2 đồng hành cùng quá trình phát triển ngành năng lượng Việt Nam trong hơn 37 năm lịch sử hình thành và phát triển của công ty.

PECC2 hiện nay là một trong những doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam cung cấp dịch vụ tư vấn, thiết kế, xây dựng, quản lý dự án, quản lý vận hành và đầu tư các công trình năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tham gia góp phần thúc đẩy chuyển dịch năng lượng của Việt Nam.

Trong lĩnh vực hoạt động tư vấn, PECC2 thường xuyên hợp tác với các đối tác nước ngoài, các nhà phát triển công nghệ, các nhà chế tạo thiết bị công nghệ, để nghiên cứu, đánh giá và đề xuất lựa chọn loại hình công nghệ phát điện hiệu quả cao, đưa vào áp dụng ở các dự án năng lượng tại Việt Nam như dự án điện khí LNG, dự án điện gió, dự án điện mặt trời, dự án điện sinh khối, dự án thủy điện và thủy điện tích năng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

PECC2 cũng tiên phong trong việc tham gia thực hiện các dự án năng lượng mới như hệ thống pin tích trữ điện năng (BESS), dự án thủy điện tích năng, dự án sản xuất hydro từ điện mặt trời.

Trong lĩnh vực kinh doanh, đầu tư, PECC2 cùng các đối tác nước ngoài tham gia hợp tác đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, thúc đẩy phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam.

Trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển, PECC2 tích cực hợp tác với các đối tác quốc tế nghiên cứu các loại hình năng lượng mới, điển hình như:

-       Hợp tác quốc tế giữa PECC2, Seaborg Technologies (Đan Mạch) và Siemens Energy Global (Đan Mạch/Đức/Việt Nam) năm 2021-2022, nghiên cứu việc triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi dạng mô đun sử dụng lò phản ứng muối nóng chảy kích thước gọn (Compact Molten Salt Reactor – CMSR) để phát điện và/ hoặc sản xuất hydro và amoniac quy mô lớn.

-       Hợp tác giữa PECC2 và VINATOM về đào tạo và nghiên cứu công nghệ, pháp lý và cơ sở hạ tầng nhằm triển khai dự án điện hạt nhân quy mô nhỏ. Thông qua VINATOM, PECC2 tham gia vào các chương trình hợp tác quốc tế được Bộ Khoa học Công nghệ giao VINATOM làm đầu mối chủ trì.

-       Hợp tác quốc tế giữa PECC2 và HYME (Đan Mạch) nghiên cứu triển khai các hệ thống lưu trữ năng lượng quy mô lớn sử dụng công nghệ muối nóng chảy của HYME.

PECC2 đã và đang tiếp tục chủ động tìm kiếm, kết nối với các đối tác quốc tế nhầm tham gia tích cực, hiệu quả vào quá trình chuyển dịch năng lượng Việt Nam, chú trọng vào việc tham gia đóng góp cho Kế hoạch huy động nguồn lực Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng cho Việt Nam (JETP RMP) sẽ được thống nhất giữa Việt Nam và các đối tác vào năm 2023.

Thực hiện: Trương Văn Thiện

 

Tài liệu tham khảo

[1]

International Monetary Fund (IMF), "World Economic Outlook – Countering the Cost-of-Living Crisis," 2022.

[2]

World Meteorological Organization (WMO), "State of Global Climate 2021," WMO No. 1290, 2022.

[3]

World Health Organization (WHO), "10 Proposals to Build a Safer World Together – Strengthening the Global Architecture for Health Emergency Preparedness, Response and Relisience," 2022.

[4]

United Nations (UN), "17 Goals to Transform Our World," [Online]. Available: www.un.org/sustainabledevelopment/.

[5]

United Nations (UN), "World Population Prospects 2022 – Summary of Results," Department of Economic and Social Affairs, 2022.

[6]

International Energy Agency (IEA), "For the first time in decades, the number of people without access to electricity is set to increase in 2022," [Online]. Available: www.iea.org/commentaries/for-the-first-time-in-decades-the-number-of-people-without-access-to-electricity-is-set-to-increase-in-2022 .

[7]

International Energy Agency (IEA), "Global Energy Crisis," [Online]. Available: www.iea.org/topics/global-energy-crisis .

[8]

International Energy Agency (IEA), "World Energy Investment 2022," 2022.

[9]

International Energy Agency (IEA), "World Energy Outlook 2022," 2022.

[10]

Massachusetts Institute of Technology (MIT), "The Future of Energy Storage – An Interdisciplinary Study," MIT Energy Initiative, 2022.

[11]

International Energy Agency (IEA), "Global Hydrogen Review 2022," 2022.

[12]

IBERDROLA, "Iberdrola commissions the largest green hydrogen plant for industrial use in Europe," [Online]. Available: www.iberdrola.com/about-us/what-we-do/green-hydrogen/puertollano-green-hydrogen-plant .

[13]

World Economic Forum (WEF), "Fostering Effective Energy Transition 2021 edition," 2021.

[14]

Chính phủ Việt Nam, "Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 về Phát triển bền vững," tr.3.

[15]

Thủ tướng Chính phủ, "Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2021 về việc Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050," tr.5.

[16]

Thủ tướng Chính phủ, "Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13 tháng 3 năm 2019 về việc Phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030".

[17]

Thủ tướng Chính phủ, "Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2020 về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 – 2025”".

[18]

European Commission, "Political Declaration on establishing the Just Energy Transition Partnership with Viet Nam," Brussels, 14 December 2022.

[19]

Bộ Chính trị, "Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

 

 


An error has occurred. This application may no longer respond until reloaded. Reload 🗙