Blog Detail Pic

Cơ chế mua bán điện trực tiếp tại Việt Nam và các khuyến nghị

trung.pd2 | Dec 20, 24

Nghị định 80/2024/NĐ-CP về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Cơ chế này cho phép các doanh nghiệp lớn ký kết hợp đồng mua điện trực tiếp từ các nhà phát điện năng lượng tái tạo, hướng đến việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam. DPPA không chỉ tăng cường tính minh bạch và cạnh tranh trong thị trường điện, mà còn hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và giảm phát thải cacbon.

Bối cảnh và mục tiêu

Việt Nam đang đối mặt với sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu tiêu thụ điện năng, trong khi việc phát triển các nguồn phát điện truyền thống đang bị hạn chế do các nguyên nhân khác nhau. Trong bối cảnh đó, các nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) như điện mặt trời và điện gió được coi là giải pháp thiết yếu để giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế bền vững.

Nhằm thúc đẩy phát triển NLTT, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 80/2024/NĐ-CP, đặt nền tảng cho cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), cho phép các doanh nghiệp lớn có thể ký kết hợp đồng trực tiếp với các nhà sản xuất điện NLTT, hướng đến việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam. Cơ chế này không chỉ tạo ra cơ hội cho các nhà sản xuất NLTT tiếp cận thị trường một cách minh bạch và công bằng, mà còn giúp các doanh nghiệp lớn tiếp cận nguồn điện sạch với chi phí hợp lý.

Các mô hình DPPA

Nghị định 80/2024/NĐ-CP quy định hai mô hình cho DPPA giữa các nhà sản xuất điện NLTT và các doanh nghiệp lớn như sau:

  • Mô hình 1: Mua bán điện qua Đường dây kết nối riêng

Trong mô hình này, đơn vị phát điện NLTT có thể ký hợp đồng trực tiếp với khách hàng sử dụng điện lớn và sử dụng đường dây kết nối riêng để truyền tải điện. Khách hàng sử dụng điện lớn (sau đây gọi là khách hàng lớn) có sản lượng tiêu thụ bình quân 200.000 kWh/tháng trở lên (tính trung bình 12 tháng gần nhất) hoặc có sản lượng đăng ký từ 200.000 kWh/tháng trở lên (thời gian sử dụng điện dưới 12 tháng). Nghị định không yêu cầu cụ thể về cấp điện áp của đường dây kết nối riêng, cho phép các bên linh hoạt trong việc thiết kế và xây dựng hạ tầng phù hợp với nhu cầu thực tế.

Hình 1. Minh họa kết nối vật lý của mô hình DPPA qua đường dây kết nối riêng.

Hình 2. Minh họa các dòng thanh toán của mô hình DPPA qua đường dây kết nối riêng.

  • Mô hình 2: Mua bán điện qua Lưới điện quốc gia

Mô hình này cho phép các khách hàng lớn hoặc hoặc đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm công nghiệp (sau đây gọi là đơn vị bán lẻ điện được ủy quyền) được mua điện từ các đơn vị phát điện NLTT thông qua lưới điện quốc gia. Khách hàng lớn cần đấu nối vào cấp điện áp 22kV trở lên. Đơn vị bán lẻ điện được ủy quyền cần có sản lượng mua điện từ 200.000 kWh/tháng trở lên và đấu nối lưới điện quốc gia từ cấp điện áp 22 kV trở lên. Theo Nghị định, chỉ các đơn vị phát điện NLTT từ gió hoặc mặt trời với công suất từ 10 MW trở lên mới đủ điều kiện tham gia mô hình này. Điện năng sản xuất được hòa vào lưới điện quốc gia và bán trên thị trường điện giao ngay. Việc mua bán điện giữa đơn vị phát điện NLTT và bên mua được thực hiện thông qua hợp đồng kỳ hạn (hợp đồng tài chính) với mức sai khác giữa giá thỏa thuận và giá thị trường điện giao ngay được áp dụng cho sản lượng điện năng cam kết. Bên cạnh đó, đối với sản lượng điện năng tiêu thụ hiệu chỉnh, được quy định bằng giá trị nhỏ nhất giữa điện năng tiêu thụ của bên mua và sản lượng thực phát của đơn vị phát điện NLTT đã quy đổi theo hệ số tổn thất, bên mua cần phải trả thêm cho EVN chi phí điện năng theo giá thị trường điện, chi phí sử dụng dịch vụ hệ thống điện và chi phí thanh toán bù trừ chênh lệch. Phần điện năng còn thiếu mà đơn vị phát điện không đáp ứng được sẽ được bên mua mua từ Tổng công ty điện lực với giá bán lẻ điện áp dụng cho nhóm khách hàng tương ứng theo quy định hiện hành.

Hình 3. Minh họa kết nối vật lý của mô hình DPPA qua lưới điện quốc gia – Trường hợp bên mua là khách hàng tiêu thụ điện lớn.

Hình 4. Minh họa kết nối vật lý của mô hình DPPA qua lưới điện quốc gia – Trường hợp bên mua là đơn vị bán điện lẻ được ủy quyền.

Hình 5. Minh họa các dòng thanh toán của mô hình DPPA qua lưới điện quốc gia trong một chu kỳ giao dịch.

Một số vấn đề cần được làm rõ và hướng dẫn để thực thi Nghị định 80/2024/NĐ-CP

Nghị định 80/2024/NĐ-CP đã tạo ra khung pháp lý cơ bản cho cơ chế DPPA. Để thực thi hiệu quả cơ chế DPPA, người viết cho rằng sau Nghị định cần làm rõ và có hướng dẫn cụ thể cho một số vấn đề sau:

  • Tổng chỉ tiêu phát triển của các nguồn điện mặt trời theo DPPA: Nghị định 80/2024/NĐ-CP nêu rõ việc đảm bảo an ninh năng lượng điện quốc gia, an toàn hệ thống điện theo quy hoạch điện được phê duyệt. Theo Quy hoạch điện 8, tổng công suất các nguồn điện mặt trời dự kiến phát triển thêm từ thời điểm ban hành quy hoạch đến năm 2030 là 4.100 MW. Còn theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được ban hành theo Quyết định 262/QĐ-TTg ngày 01/04/2024, tổng công suất điện mặt trời mái nhà (tự sản, tự tiêu) tăng thêm đến 2030 là 2.600 MW. Như vậy, tổng chỉ tiêu phát triển mới các nguồn điện mặt trời theo DPPA đến 2030 đang được hiểu là giới hạn ở mức 1.500 MW. Giới hạn này cần được nêu rõ trong các văn bản hướng dẫn để tạo thuận lợi cho các nhà phát triển điện NLTT và các bên mua tương ứng theo DPPA.
  • Hoàn thiện hướng dẫn thực hiện theo cơ chế DPPA: Nghị định 80/2024/NĐ-CP đã quy định các mô hình DPPA, cơ chế giá của mỗi mô hình, trách nhiệm của các bên tham gia DPPA, cũng như của EVN và đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện, và trình tự thủ tục tham gia DPPA. Tuy vậy, còn nhiều chi tiết cần được hướng dẫn thêm, đặc biệt liên quan đến các trình tự, thủ tục giữa bên mua và Tổng công ty điện lực, các hướng dẫn liên quan đến đầu tư, quản lý hệ thống đo đếm, thủ tục liên quan đến thanh toán…
  • Các vấn đề khác liên quan đến quyết định đầu tư tham gia DPPA:
    • Công suất, sản lượng, giá đối với sản lượng điện dư trong mô hình DPPA qua đường dây kết nối riêng: Nghị định không giới hạn công suất lắp đặt của một nguồn NLTT khi tham gia mô hình DPPA qua đường dây kết nối riêng. Như vậy việc phát sinh sản lượng điện thừa phát ngược lên lưới từ vị trí đấu nối của bên mua hoàn toàn có thể xảy ra. Các điều kiện ràng buộc, giới hạn công suất, sản lượng và khung giá mua từ phía EVN đối với việc phát điện thừa này cần được làm rõ để tạo điều kiện thuận lợi cho quyết định đầu tư của đơn vị sản xuất điện NLTT tham gia DPPA.   
    • Chi phí thanh toán bù trừ chênh lệch: Trong mô hình DPPA qua lưới điện quốc gia, bên mua cần trả thêm chi phí thanh toán bù trừ chênh lệch liên quan đến việc huy động các nguồn điện BOT, các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu, các nguồn điện tham gia gián tiếp thị trường điện, chi phí dịch vụ phụ trợ, và các chênh lệch chi phí khác được phép tính trong giá bán điện lẻ hiện hành, chẳng hạn như chênh lệch tỉ giá và chênh lệch do việc điều chỉnh giá bán điện lẻ bình quân. Chi phí thanh toán bù trừ chênh lệch này thay đổi theo mỗi tháng, phụ thuộc vào nhu cầu điện và tình hình huy động các nhà máy điện, và do đó có thể gia tăng rủi ro cho việc tham gia DPPA. Vì vậy, chi phí này cần được công bố chi tiết sớm để bên mua có cơ sở thông tin nhằm cân nhắc mức giá hợp đồng kỳ hạn với đơn vị phát điện NLTT một cách phù hợp.   
    • Thành phần pin tích trữ trong khái niệm đơn vị phát điện NLTT: Trong Nghị định, đơn vị phát điện NLTT được giải thích là “Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo là đơn vị điện lực sở hữu nhà máy điện từ năng lượng mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu, các dạng năng lượng tái tạo khác và hệ thống điện mặt trời mái nhà được cấp giấy phép hoạt động điện lực hoặc được miễn trừ giấy phép đối với lĩnh vực phát điện theo quy định”. Giải thích này không đề cập đến hệ thống pin tích trữ năng lượng, trong khi việc kết hợp pin tích trữ trong đơn vị sản xuất NLTT có thể giúp tăng khả năng cung cấp điện ổn định từ phía đơn vị phát NLTT và qua đó góp phần giảm rủi ro của giao dịch theo cơ chế DPPA. Do đó, cần làm rõ việc có cho phép tích hợp pin tích trữ trong đơn vị phát điện NLTT hay không, nhằm tạo thuận lợi cho các quyết định đầu tư và tham gia DPPA của cả đơn vị phát điện NLTT và bên mua.   

Một số khuyến nghị thúc đẩy cơ chế DPPA

  • Đẩy mạnh việc hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh: Cơ chế DPPA được xây dựng trên nền tảng thị trường điện cạnh tranh của Việt Nam, thông qua việc áp giá thị trường giao ngay cho phần sản lượng điện dư của mô hình DPPA qua lưới điện quốc gia. Việc hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh sẽ tạo ra tín hiệu giá phản ánh đúng nhu cầu của thị trường, tạo ra tác dụng tích cực cho việc thực thi cơ chế DPPA.
  • Hoàn thiện khung pháp lý về DPPA: Như đã phân tích ở trên, có các vấn đề cần làm rõ thêm, bên cạnh các hướng dẫn triển khai chi tiết thực hiện cơ chế DPPA. Việc hoàn thiện khung pháp lý DPPA, trong đó bao gồm việc ban hành các hướng dẫn triển khai chi tiết, là hết sức cần thiết để thực thi cơ chế DPPA thời gian sắp tới.
  • Thúc đẩy hiểu biết và hợp tác của các bên tham gia DPPA: Cần tổ chức các hội thảo, các khóa đào tạo để nâng cao nhận thức của các đơn vị phát điện NLTT và các bên mua về lợi ích của DPPA, đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận các hỗ trợ tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo theo cơ chế DPPA.

Thực hiện: TS. Trần Huỳnh Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Phát triển


An error has occurred. This application may no longer respond until reloaded. Reload 🗙