.jpg)
KHỦNG HOẢNG HIỆN SINH
Khủng hoảng hiện sinh (existential crisis) bắt nguồn từ triết lý hiện sinh, tập trung vào ý nghĩa và mục đích của sự tồn tại từ góc độ cá nhân. Khủng hoảng này xảy ra khi một người đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống và sự tồn tại của chính họ, họ đánh mất niềm tin hoặc chưa tìm được ý nghĩa cuộc sống. Việc này thường xảy ra trong những giai đoạn chuyển tiếp, bước ngoặt thay đổi mà người ta khó thích nghi hay phải đối với sự mất an toàn. Có rất nhiều cột mốc về thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng hiện sinh, chúng thường mang tên gọi ở những thời điểm dễ xảy ra bước ngoặt như khủng hoảng tuổi mới lớn, khủng hoảng một phần tư cuộc đời, khủng hoảng tuổi trung niên hay thậm chí khủng hoảng tuổi về già. Điểm chung đều là tình trạng hoang mang về lý do và ý nghĩa tồn tại của bản thân. Trong bài Blog lần này, chúng tôi mong muốn góp một góc nhìn về đề tài này để cùng Quý vị nhìn nhận về cuộc khủng hoảng đang làm chúng ta (và có thể là nhân viên của chúng ta) đau đầu, ở các góc độ doanh nghiệp lẫn người lao động.
1. KHỦNG HOẢNG HIỆN SINH Ở NGƯỜI LAO ĐỘNG
Sau đại dịch Covid, số người người lao động nhìn nhận lại sự nghiệp và cuộc sống tăng lên rất cao. Người ta nhận thức rõ nét hơn về cuộc sống vô thường. Bên cạnh đó là cuộc chạy đua trí tuệ nhân tạo (AI) bùng nổ thời gian gần đây càng khiến cho mọi thứ khác trước. Thế giới trở nên phẳng hơn, con người có quyền truy cập vô vàn thông tin và tận dụng nhiều công cụ để thiết kế cuộc sống của riêng mình, nhiều cơ hội việc làm được tạo ra và cũng nhiều thách thức đi kèm.
Nhiều người hàng ngày đi làm nhưng thực chất chỉ xuất hiện cho có tại văn phòng. Họ làm việc như một cái xác không hồn, vật vờ làm việc qua ngày, không có động lực làm việc nhưng cũng không muốn nghỉ việc. Có một cụm từ rất hay miêu tả tình trạng này là “Zombie công sở” (xác sống nơi công sở).
Nguyên nhân phổ biến dẫn đến việc này là mục tiêu công việc chưa phù hợp hay chúng ta bị rơi vào tư duy phụ thuộc. Vì nhiều nguyên nhân, người lao động lựa chọn một công việc tạm thời và bỏ quên việc đáp ứng nhu cầu của một con người tổng thể. Ngay từ đầu họ đã lựa chọn sự thụ động. Họ mất dần năng lực kiến tạo điều mình muốn, dần dà trở nên chán nản, đánh mất cảm hứng và ý nghĩa trong việc mình làm.
Bên cạnh đó, việc bị bủa vây bởi thông tin, đặc biệt là những nội dung ngắn, mà chưa đủ năng lực phân định đâu là sự thật và đâu chỉ là một phần của sự thật cũng khiến người ta dễ rơi vào khủng hoảng. Ngoài ra, xã hội và truyền thông cũng đang được vận hành theo số lượng, tôn vinh những tấm gương thành đạt, giàu có một cách nhanh chóng. Nhan nhản các mẫu quảng cáo theo kiểu làm giàu nhanh hay kiếm tiền bằng công việc mơ ước, v.v… Rất nhiều khái niệm mỹ miều được tiếp nhận khi người ta chưa kịp định hình cho mình một nhân sinh quan vững vàng. Chúng ta phóng mình ra để đi tìm một thứ mà chính mình cũng không biết đó là gì. Điều này càng làm chúng ta thêm hoài nghi về bản thân, hệ quả là muốn đạt được mọi thứ một cách vội vã hoặc… buông xuôi tất cả.
2. DOANH NGHIỆP THÌ SAO?
Khái niệm khủng hoảng hiện sinh tất nhiên là dành cho con người, nhưng giả như chúng ta nhìn nhận doanh nghiệp như một chủ thể người thì sao? Liệu doanh nghiệp có đang rơi vào trạng thái khủng hoảng hiện sinh?
Không một doanh nghiệp phát triển bằng phẳng. Chưa kể bối cảnh vĩ mô ngày nay càng không cho phép doanh nghiệp nghĩ đến chuyện tăng trưởng tịnh tiến. Doanh nghiệp cũng trải qua những lúc thăng, trầm, lúc thắng lớn, lúc thua to. Nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng vậy, có lúc thì rất tự tin nhưng cũng nhiều lúc đầy hoang mang lo lắng. Có những thời điểm doanh nghiệp ở trên đỉnh vinh quang, nhưng thể nào cũng từng có lúc đứng trước bờ vực phá sản. Chưa kể có nhiều doanh nghiệp vẫn đang ăn nên làm ra nhưng lãnh đạo vẫn thấy vô vị vì không nhìn ra được lý do cho sự tồn tại của doanh nghiệp mình.
Với kinh nghiệm của chúng tôi, nhìn vòng đời của một doanh nghiệp khá tương tự với vòng đời của một cá nhân. Nếu cá nhân có khủng hoảng tuổi mới lớn thì doanh nghiệp có khủng hoảng sau một thời gian khởi sự. Nếu cá nhân có khủng hoảng một phần tư cuộc đời thì doanh nghiệp gặp khó khăn sau nhiều năm ăn nên làm ra. Nếu cá nhân có khủng hoảng khi về già thì doanh nghiệp có khủng hoảng sức ì hay gặp trục trặc khi chuyển giao thế hệ. Ở những cột mốc đó, doanh nghiệp đều cần tái tạo lại mọi mặt: chiến lược, hệ thống, con người, văn hóa, thậm chí tái tạo lại cả sứ mệnh, tầm nhìn và triết lý kinh doanh.
3. LỜI GIẢI NÀO CHO VẤN ĐỀ KHỦNG HOẢNG HIỆN SINH?
Không phải ngẫu nhiên mà “7 Thói quen hiệu quả©” trở thành tác phẩm và chương trình đào tạo kinh điển của thế giới – một kiệt tác trong lĩnh vực phát triển con người. Đó không chỉ là một bộ 7 kỹ năng mà còn là một hệ thống có cấu trúc chặt chẽ, logic và đặc biệt quan trọng là được xây dựng dựa trên nguyên lý. Một người sống với 7 Thói quen sẽ luôn có ý thức làm chủ cuộc đời mình, hoạch định rõ ràng mục tiêu trong từng giai đoạn và ứng với mỗi vai trò trong đời sống, biết sử dụng và phân bổ thời gian vào những chuyện quan trọng nhất, cũng như biết chung sống hiệu quả và hạnh phúc với những người xung quanh. “7 Thói quen” chính là “thuốc” để trị “cơn” khủng hoảng hiện sinh cho mỗi cá nhân, bất kể chức vụ, vai trò hay tuổi tác.
Với doanh nghiệp thì sao? Tất nhiên là khó hơn vì doanh nghiệp là tập hợp gồm nhiều chủ thể sống ở trong đó. “Trị bệnh” khủng hoảng hiện sinh cho doanh nghiệp cần bắt đầu từ nhà lãnh đạo. Một nhà lãnh đạo cần làm đúng và làm tốt công việc của mình. Ở FranklinCovey, chúng tôi có giải pháp “4 Vai trò trọng yếu của lãnh đạo©” để giúp mỗi nhà lãnh đạo soi chiếu và định hình lại chân dung lãnh đạo cho mình.
Nhà lãnh đạo cần bắt đầu từ việc làm cho bản thân mình trở nên đáng tin cậy (be a trusted leader). Để rồi trên nền tảng của niềm tin, nhà lãnh đạo kiến tạo ra một tầm nhìn và chiến lược đủ sức thuyết phục để quy tụ được tâm trí, thời gian và năng lượng của toàn thể đội ngũ. Tiếp đến là chuyện thực thi các chiến lược cho xuất sắc. Cuối cùng, trên hành trình thực thi đó, nhà lãnh đạo biết đánh thức và phát huy tiềm năng của đội ngũ, vốn là những cộng sự đi cùng mình. Nếu không “khỏe”, họ không thể giúp doanh nghiệp mình “khỏe”. Đó là 4 vai trò then chốt nhất của một lãnh đạo mà chúng tôi gói gọn trong chương trình này.
Nguồn: FranklinCovey Việt Nam Blog